Suy thận được hiểu là tình trạng giảm hoặc mất chức năng hoạt động của thận. Theo các Hiệp Hội Y Khoa về Thận – Tiết Niệu tại Việt Nam và trên thế giới, có 5 mức độ được phân loại cho bệnh thận mạn tính. Một phương pháp phổ biến được sử dụng để đánh giá mức độ suy thận là thực hiện xét nghiệm GFR (Mức lọc cầu thận ước tính). Cách phân loại cụ thể và một số lưu ý cho người bệnh suy thận mạn tính được chia sẻ dưới đây.
1. Bệnh suy thận mạn tính là gì?
Suy thận mạn tính (Bệnh thận mạn tính) là tình trạng chức năng thải độc của thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động với thời gian từ 3 tháng trở lên. Hậu quả dẫn đến tình trạng tích tụ độc tố, nước và dịch dư thừa trong máu. Về lâu dài, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, giảm khả năng bài tiết nước tiểu, nặng hơn, người bệnh có thể bị đau tức ngực, co giật, ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác trong cơ thể.
Cầu thận là bộ phận đảm nhiệm chức năng lọc máu. Trung bình, cầu thận có khả năng lọc trên dưới 200 lít máu mỗi ngày, đồng thời tạo ra trung bình 2 lít nước tiểu ở người khỏe mạnh. GRE được báo cáo là lượng máu thận lọc ra bởi cầu thận mỗi phút. Chỉ số này sẽ suy giảm tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh suy thận.
2. Đánh giá mức độ suy thận mạn tính
Trong y khoa, việc chẩn đoán suy thận phụ thuộc vào 1 trong 2 tiêu chí: Triệu chứng gây tổn thương thận hoặc sự giảm mức lọc cầu thận.
Mức lọc cầu thận ước tính (GFR) là giá trị cho biết thận của người bệnh có khả năng lọc máu tốt hay kém, đồng thời xác định thêm các tổn thương hiện có. Hiện nay, GFR là hình thức xét nghiệm đánh giá chức năng thận tốt nhất. Mức lọc cầu thận càng cao, thận làm việc càng tốt và ngược lại. Chỉ số bình thường được Hội Sức khỏe Thận Australia ghi nhận khoảng 90-100 ml/ 1 phút.
3. Các giai đoạn của bệnh thận mạn tính
Thông qua xét nghiệm máu, chỉ số GFR của người bệnh sẽ được ghi nhận lại. Các giai đoạn của bệnh thận đề cập đến khả năng thận của người bệnh còn hoạt động tốt được bao nhiêu. Theo Hội Thận Học Hoa Kỳ (American Kidney Fund), trong những giai đoạn đầu 1-2-3, thận người bệnh vẫn còn khả năng đào thải chất độc ra khỏi máu. Ở 2 giai đoạn cuối, thận phải làm việc nhiều hơn và có nguy cơ mất chức năng hoàn toàn.
3.1. Giai đoạn 1
Giai đoạn 1 ghi nhận khi chỉ số GFR bình thường hoặc cao nhẹ, GFR > 90 mL/phút. Thận của người bệnh vẫn hoạt động tốt và tổng thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Người bệnh có thể có tổn thương khác trong thận, ví dụ: tìm thấy protein trong nước tiểu.
3.2. Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 ghi nhận khi chỉ số GFR khoảng 60 – 89 mL/phút. Thận bắt đầu bị tổn thương nhẹ trong thời gian này. Trong hầu hết trường hợp, thận của người bệnh vẫn có thể đảm nhiệm các chức năng cơ bản, do vậy, triệu chứng sức khỏe trong giai đoạn này không rõ ràng. Người bệnh cũng có thể có protein trong nước tiểu.
3.3. Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 ghi nhận khi chỉ số GFR khoảng 30 – 59 mL/phút và được chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút). Suy thận độ 3 đánh giá thận có tổn thương từ nhẹ đến trung bình. Thận không còn hoạt động tốt để lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu nữa. Những loại độc tố này bắt đầu tích tụ dần trong cơ thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Người bệnh bắt đầu có các triệu chứng như mệt mỏi, suy yếu, phù hoặc sưng tấy ở tứ chi.
3.4. Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 ghi nhận khi chỉ số GFR khoảng 15 – 29 mL/phút, thận sẽ bị tổn thương từ mức trung bình đến nặng. Việc tích tụ chất độc trong cơ thể quá ngưỡng yêu cầu gây ra các vấn đề sức khỏe khác cho người bệnh như tăng huyết áp, cơ xương khớp và bệnh lý tim mạch. Đây là giai đoạn trước khi bị suy thận mạn tính. Trong giai đoạn 3 và 4, người bệnh cần thường xuyên thăm khám từ các bác sỹ chuyên khoa Thận – Tiết niệu để được đánh giá đúng tình trạng chức năng thận và lên kế hoạch điều trị.
3.5. Giai đoạn 5
Giai đoạn 5 ghi nhận khi chỉ số GFR < 15 mL/phút. Đây là thời điểm thận bị tổn thương nghiêm trọng. Thận người bệnh được bác sĩ đánh giá là sắp hỏng (gần như không còn khả năng hoạt động) hoặc đã hỏng (ngưng hoạt động hoàn toàn). Bởi thận không còn khả năng hoạt động để lọc các chất độc ra khỏi máu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nặng nề và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan xung quanh. Khi thận đã bị suy, người bệnh cần điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận.
4. Những điều cần lưu ý ở người bệnh suy thận
Suy thận là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ gặp nhiều biến chứng sức khỏe khác nhau. Do vậy, mỗi cá nhân cần chủ động tầm soát bệnh lý thận đều đặn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị suy thận. Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sỹ chuyên khoa Thận – tiết niệu, người bệnh thận cũng cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp và cá nhân hóa. Người bệnh cần cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm và cách chế biến. Đặc biệt, chế độ hạn chế muối (natri) và cách lựa chọn đạm nguồn gốc động vật – thực vật cần được đề cao ở nhóm đối tượng này.
Chỉ số GFR được sử dụng để đánh giá mức độ hoạt động của thận. Dựa vào xét nghiệm này, người bệnh sẽ được chẩn đoán có mắc suy thận mạn tính hay không. Người bệnh mạn tính cần chủ động khám sức khỏe, điều trị và xây dựng chế độ ăn uống riêng biệt để đảm bảo bệnh không chuyển nặng.
Tài liệu tham khảo:
- Chronic Kidney Disease https://www.emedicinehealth.com/chronic_kidney_disease/article_em.htm
- Kidney Failure: https://www.kidney.org/atoz/content/KidneyFailure
- Stages of Chronic Kidney Disease: https://www.davita.com/education/kidney-disease/stages
- Bệnh thận mạn và suy thận mạn tính, định nghĩa và chẩn đoán – Bệnh học Nội khoa – Đại học Y Hà Nội
- Bệnh thận mạn – MSD Phiên bản dành cho chuyên gia: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-di-truy%E1%BB%81n/b%E1%BB%87nh-th%E1%BA%ADn-m%E1%BA%A1n/b%E1%BB%87nh-th%E1%BA%ADn-m%E1%BA%A1n
- Cập nhật hướng dẫn Kdigo 2020: http://bvxanhpon.vn/duoc-lam-sang–thong-tin-thuoc/cap-nhat-huong-dan-kdigo-2021-ve-quan-ly-huyet-ap-trong-benh-than-man/144-734-321.aspx
Một số bài viết hữu ích với bạn
Công dụng của sữa hạt DOC Canxi plus đối với người bệnh đái tháo đường
Người ăn kiêng có nên uống sữa hạt không?